Thực trạng thấm dột tại các công trình dân dụng tại Việt Nam
Chống thấm là công đoạn quan trọng cần được chú tâm thực hiện từ khâu thi công. Nhưng ở nước ta, đặc biệt khi mùa mưa đến, tình trạng thấm dột công trình vẫn phổ biến.
Chống thấm, câu chuyện muôn thuở
Theo Tài liệu khảo sát của Khoa Kỹ thuật Xây dựng Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, tình trạng thấm tại TP.HCM đang cực kỳ nghiêm trọng với tỉ lệ thấm là 84,35% công trình được khảo sát, trong đó quá nửa công trình chỉ mới được đưa vào sử dụng dưới 5 năm. Trong khi tỉ lệ này ở Mỹ là 60% và Singapore là 53%. Tài liệu này cũng cho thấy, chung cư, trung tâm thương mại và nhà ở từ 5 tầng là những công trình xây dựng có tỷ lệ thấm dột cao nhất.
Không những gây mất thẩm mỹ do các vết ố, thấm dột còn là nguyên nhân khiến kết cấu công trình mau xuống cấp. Ngoài ra, tình trạng thấm còn dễ dẫn đến nhiều nguy cơ tiềm ẩn đối với các đường dây điện đi âm tường, hoặc ảnh hưởng sức khoẻ gia đình do không gian ẩm thấp tạo điều kiện sinh sôi nấm mốc, côn trùng mang mầm bệnh. Dẫu nguy hiểm là thế nhưng với đặc thù khó kiểm định sau thi công, hiệu quả của công tác chống thấm chỉ có thể kiểm chứng qua vài mùa mưa.
Trước thực trạng đó, chuyên gia Sika Việt Nam đã chỉ ra hai lý do phổ biến gây nên tình trạng thấm dột trong các công trình hiện nay: Thứ nhất là do các loại vật liệu xây dựng thông thường đều có những mao dẫn (khoảng cách giữa các hạt) đường kính khoảng từ 20-40 micromet. Khi bề mặt vật liệu này tiếp xúc với nước, nước sẽ thẩm thấu theo mao vào bên trong (mao dẫn) gây ra hiện tượng thấm. Tiếp đến, do đặc điểm chung của khí hậu Việt Nam là mưa nhiều, nhiệt độ chênh lệch lớn gây nên hiện tượng co ngót, giãn nở, nứt, bề mặt và cấu trúc vật liệu bị phá huỷ, tạo điều kiện cho nước xâm nhập. Bên cạnh đó, yếu tố địa chất như mức độ lún không đều (hiện tượng chuyển vị) đất rất cao từ 2cm và có thể lên đến 5cm (như tại khu vực quận 7 và Bình Thạnh, TPHCM) cùng với áp lực nước ngầm sau các trận mưa lớn… khiến tình trạng thấm ngày càng gia tăng.
Vì sao đã chống nhưng vẫn thấm?
Anh Cường (10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chống thấm) chia sẻ về thực trạng chống thấm tại Việt Nam: “Thực tế, chất lượng và công nghệ sản phẩm luôn được cải tiến. Nhưng việc công trình vẫn thấm phụ thuộc nhiều vào kỹ thuật của người thi công. Nhiều người thi công chưa đúng với quy chuẩn sản phẩm, hay tâm lý rút bớt vật liệu để tăng lợi nhuận là những lý do chống mãi vẫn thấm”.
Chống thấm luôn được xem là hạng mục phức tạp về mặt kỹ thuật, thi công, và khó đánh giá chất lượng nhất khi nghiệm thu trong toàn bộ hạng mục công trình. Anh Cường cũng chia sẻ thêm dựa trên kinh nghiệm thực tế, chỉ có khoảng 2-3% gia chủ quan tâm và có kiến thức về chống thấm. Vì vậy, chủ nhà hoặc chủ đầu tư thường giao khoán phần này cho nhà thầu với niềm tin về kinh nghiệm cũng như cam kết bảo hành công trình. Tuy nhiên, với tâm lý ngại thay đổi nên việc các nhà thầu tiếp cận với các thông tin, công nghệ mới thường rất hạn chế, dẫn đến các vấn đề thấm không được giải quyết triệt để.
Bên cạnh đó, nhiều công trình dân dụng vẫn áp dụng một loại vật liệu chống thấm cho toàn bộ các khu vực, bề mặt công trình. Cách này chỉ giúp đạt được lợi ích tức thời, nhưng lại gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình. Trên thực tế, các khu vực khác nhau sẽ yêu cầu mức độ chống thấm khác nhau, dựa trên điều kiện tiếp xúc với nước và yêu cầu chống thấm của từng bề mặt.
Cũng trong báo cáo của Trường Đại học Bách khoa TP.HCM, những khu vực dễ bị thấm nước nhất là tầng hầm do vị trí nằm ngầm dưới đất, chịu tác động mạnh của các mạch nước ngầm cũng như hệ thống cấp thoát nước của công trình, chiếm 78,3% trên tổng số công trình khảo sát. Tiếp đến là nhà vệ sinh do thường xuyên tiếp xúc với nước, , chiếm 50,4%. Bể nước/ bể bơi phải chịu áp lực lớn từ nước, chiếm 46,2%. Sàn mái và tường ngoài hứng chịu trực tiếp các tác động từ tự nhiên như nắng, mưa, bão, gió… chiếm 30,2%. Mỗi khu vực kể trên đều có những vấn đề riêng và cần giải pháp riêng cho từng khu vực.
Chống thấm chuẩn, công trình chắc
Những số liệu trên đã cho thấy tầm quan trọng của việc sử dụng các sản phẩm chống thấm chất lượng cho tất cả công trình xây dựng. Không chỉ ngăn chặn tình trạng thấm dột, các sản phẩm này còn góp phần kéo dài tuổi thọ công trình nhờ khả năng chống tia UV, hạn chế rêu mốc và nứt vỡ công trình, từ đó giúp tối ưu hóa chi phí sửa chữa và bảo vận hành công trình.
Để chống thấm hiệu quả đối với các nguyên nhân khách quan từ bên ngoài, bên cạnh việc sử dụng các sản phẩm chống thấm chất lượng thì tính toán từ khâu thiết kế là việc mà các chủ đầu tư cũng nên lưu tâm.
Đối với các nguyên nhân chủ quan, không chỉ các chủ đầu tư và thầu thợ cần cập nhật những thông tin, công nghệ chống thấm tiên tiến; mà các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng cần nghiên cứu và mang đến những giải pháp chất lượng, qua đó góp phần xóa bỏ tư duy chống thấm lỗi thời, kém hiệu quả. Trong đó, giải pháp chống thấm từ Sika Việt Nam được đánh giá là hệ sản phẩm chống thấm đặc thù cho từng bề mặt được nhiều doanh nghiệp tin dùng.
Hiện nay, Sika Việt Nam là thương hiệu vật liệu xây dựng hàng đầu sở hữu chuỗi giải pháp chống thấm toàn diện cho công trình từ móng đến mái. Các giải pháp của Sika được thiết kế và phát triển dựa trên những đặc trưng của từng khu vực thường ẩm ướt gồm sàn mái, tường ngoài, nhà vệ sinh, bể bơi/ bể nước và tầng hầm. Để tham khảo thêm các giải pháp chống thấm của Sika Việt Nam, độc giả có thể tìm hiểu thêm tại đây: https://vnm.sika.com.
Uyên Thư – TCKT.VN
© Tạp chí Kiến trúc